DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN HOA ĐAN MÓC

CÔ GIÁO CÓ TÂM VỚI NGHỀ ĐÃ GIÚP HỌC TRÒ MÌNH ĐỨNG VỮNG TRONG CUỘC SỐNG BẰNG ĐÔI BÀN TAY VÀ KHÓI ÓC CỦA MÌNH. NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN HOA ĐAN MÓC

Doanh nghiệp tư nhân Hoa Đan Móc là doanh nghiệp dạy nghề thủ công miễn phí cho đối tượng người khuyết tật ở thành phố Cần Thơ. Được thành lập từ năm 2006 với khởi đầu chỉ là cơ sở dạy nghề đan móc do Bà Lê Thị Hồng Hoa quản lý. Đến năm 2011cơ sở này được cấp phép trở thành doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp này là dạy nghề đan móc miễn phí cho những người khuyết tật. Sau khi đã được đào tạo nghề, người khuyết tật lại trở thành người lao động chính tại doanh nghiệp này. Hiện tại có khoảng 07 người lao động hoàn toàn là người khuyết tật với đủ các dạng khuyết tật như khuyết tật vận động, khuyết tật nghe, nói…đến làm việc hàng ngày tại doanh nghiệp. Những trường hợp người khuyết tật đi lại khó khăn hoặc ở xa thì doanh nghiệp sẽ mang vật liệu đến nhà trực tiếp đào tạo và mang sản phẩm của những người khuyết tật này đi tiêu thụ. Doanh nghiệp tạo thu nhập cho người khuyết tật bằng cách trực tiếp bán các sản phẩm do họ làm ra cho người tiêu dùng hoặc qua các phiên hội chợ, liên kết với công ty du lịch…

          Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bà Lê Thị Hồng Hoa, khi sử dụng lao động khuyết tật doanh nghiệp gặp một số khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là cơ sở vật chất còn yếu kém. Hiện doanh nghiệp đang hoạt động tại nhà của Bà Lê Thị Hồng Hoa. Do nhà đã xuống cấp mà không có kinh phí sửa chữa nên người khuyết tật làm việc tại đây cũng gặp không ít khó khăn trong di chuyển cũng như điều kiện làm việc.

Bên cạnh đó thì đầu ra cho nguồn sản phẩm mà lao động khuyết tật làm ra cũng gặp khó khăn do đặc thù của sản phẩm đan móc thường không như các mặt hàng tiêu dùng khác, rất kén người sử dụng. Sản phẩm chủ yếu thường là giỏ xách, bóp, bao đựng điện thoại, nón…Hiện doanh nghiệp cũng đã liên kết với các công ty du lịch để trưng bày sản phẩm tại các điểm bến tàu du lịch hoặc đăng ký gian hàng trưng bày tại các hội chợ… nhưng số sản phẩm bán ra là không đáng kể.

Mặt khác việc đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng không dễ dàng do người khuyết tật thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Vì vậy tùy từng đối tượng mà có cách truyền đạt phù hợp: khuyết tật nghe, nói thì khi truyền thụ phải trực tiếp thực hành, khuyết tật vận động thì phải đến từng người để hướng dẫn… đồng thời khả năng tiếp thu của người khuyết tật khá chậm, đôi lúc hay quên nên mất rất nhiều thời gian để đào tạo.

Ưu điểm cơ bản của lao động khuyết tật là rất chịu khó, siêng năng và ý chí vươn lên cao. Bản thân người khuyết tật cũng nhận thức được lợi ích của việc đào tạo và làm nghề đan móc là giúp họ có việc làm, có thu nhập và vươn lên trong cuộc sống. Hơn nữa lao động khuyết tật cũng rất ít khi nhảy việc và rất đam mê với công việc mà họ chọn.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn có thể cải thiện được cơ sở vật chất nơi làm việc, mở rộng quy mô hoạt động và được hỗ trợ kinh phí đào tạo để có thể tuyển thêm nhiều người khuyết tật vào học nghề và làm việc, không yêu cầu về trình độ hay năng lực chỉ cần có sức khỏe đảm bảo cho công việc cũng như yêu thích nghề đan móc này. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, xã hội và các cơ quan ban ngành để doanh nghiệp có thể giúp người khuyết tật tự nuôi sống bản thân và vươn lên trong cuộc sống.

 

Tin mới đăng

Tin gần đây